Biết nhiều để thấy đời buồn hay vui?

Sưu tầm

Nguồn: Facebook Mai Anh D’s ebook

Hôm nay đi học, thầy giảng về thuế. Trong bài giảng, thầy nói nhiều về những sai lầm của nhà nước trong việc đánh thuế và những hậu quả nó để lại.

Giờ giải lao, có vài người trong lớp ồn ào tranh cãi, một anh bạn người Anh lớn tiếng bảo không tin vào nhà nước, không bao giờ đi bầu cử (Xem chừng chuyện bất mãn với chính sách không phải chỉ có riêng ở Việt Nam).
Thầy không nói gì, chỉ ngồi nghe rồi cười cười.

Hết giờ giải lao, anh bạn vẫn hăng say chỉ ra các chính sách ấu trĩ và sai lầm đến đâu, lẽ ra nhà nước phải làm thế này thế khác. Thầy phải “chấm dứt cuộc tranh cãi” để tiếp tục bài giảng, thầy vừa nói, vừa cười:

“When you are young, you want to criticize the government.
When you are better, you understand what they go through.
As my dad told me when I was young: One day you will understand. That life is more complicated to make a mistake than make a right.”
(Khi em còn trẻ, em sẽ rất muốn phê phán nhà nước. Khi nào em giỏi hơn, em sẽ hiểu cho họ. Như cha tôi bảo khi tôi còn bé: Ngày nào đó, con sẽ hiểu. Rằng cuộc đời thì phức tạp, lầm lỡ có lý do).

Thầy bảo tất yếu rằng khi các em học nhiều hơn, biết nhiều hơn, thì sẽ dễ nhìn ra những sai lầm của người khác, sẽ thấy có muôn vàn cách để con người ngốc nghếch, vụng về, gian lận và ích kỷ. Nhưng đi kèm việc học về những sai lầm, mình luôn học cả việc vì sao người ta sai. Để thấy ngốc nghếch và gian lận cũng là cơ chế tự nhiên mà ngoài thánh nhân thì 90% người thường cố ý hay vô tình đều vướng phải.

Cá nhân thầy quan sát thấy khi học nhiều và biết nhiều hơn, người ta sẽ phân thành 2 xu hướng:

Một là, khi họ biết nhiều hơn người khác, đi đâu họ cũng thấy người ngốc hơn mình, nhìn cái gì họ cũng thấy không hoàn chỉnh. Họ khó hài lòng hơn và thích chê bai hơn. Nhìn đời đáng buồn hơn, nhìn đám đông chán nản hơn, nhìn thời cuộc bi quan hơn. Thầy gọi đó là bi kịch của những người biết quá nhiều.

Hai là, khi biết càng nhiều người ta càng dễ nhìn ra sai lầm, và hiểu vì sao người khác mắc sai lầm. Càng học nhiều, người ta càng nhận ra rằng hiểu biết không phải sự cho không, và chẳng có mấy người “vô tình rất đỗi nhẹ nhàng” mà hiểu được mọi sự một cách thiên tài. Ai đã làm giàu từ chỗ nghèo khó sẽ không chê người nghèo, ai đã vất vả tìm tòi để có được hiểu biết sẽ không chê người kém hiểu biết. Từ đó, họ bao dung hơn.

Tóm lại, tùy theo mỗi người, mà cái sự biết nhiều có thể khiến người ta vị tha hơn hoặc là hằn học hơn.

“Nhưng mà nếu càng biết nhiều để mà mình càng thấy chán đời, càng muốn chửi đời, thì thôi chắc biết ít ít có vẻ vui hơn, nhìn đời dễ thấy yêu hơn, ăn cơm thấy ngon hơn mà tối đi ngủ cũng thanh thản hơn. Thiên hạ nhìn mình hiền lành cũng thấy yêu quý hơn. Cho nên tôi sẽ dạy các bạn vừa đủ thôi, không nên dạy nhiều quá. Tí nữa sẽ cho đi về sớm (để tự đọc sách thêm)”, thầy đùa.

—–
Nối tiếp câu chuyện bằng một đoạn tranh luận với cậu bạn tôi rất quý (Cảm ơn An Corleone Vo ^^).
Thế “bao dung” trong câu chuyện này có phải là “thỏa hiệp”, thấy sai mà không nói, bất mãn mà im lặng, cứ gật đầu cho qua không?

Bao dung, tôi nói đến là tâm thế nhìn nhận sự việc, thật ra dịch ra tiếng Việt thì nghe hơi “hiền lành”, còn nếu gần hơn với khoa học thì tui nghĩ có thể gọi nó là “objective”/khách quan. Tôi cho rằng bản chất của khoa học là “bao dung” (dù trong khoa học, người ta hay cố tìm đủ cách để chứng minh những tiền đề của người khác là sai lầm, cố chỉ ra những thiếu sót của nhân loại, hoặc những hiểu biết không đúng đắn). Trong khoa học, người ta cố gắng cân nhắc vấn đề ở nhiều khía cạnh nhất có thể, và cố gắng giải thích hiện tượng một cách khách quan, hạn chế những phát ngôn quá khích và những định kiến không có cơ sở đầy đủ. Tôi cho rằng như thế là “bao dung” (Chí ít ra trong báo cáo khoa học, người ta cũng không xách mé, chửi bới và dùng các từ chợ búa bao giờ).

Chỉ ra những cái sai là một việc làm cần thiết nhưng hãy nghiêm khắc một cách bao dung. Người nắm được thế trận của những cuộc tranh luận, hay một người góp ý hiệu quả, là người giữ được sự bình tĩnh, khách quan và cân nhắc. Để lời nào nói ra, người ta cũng ít phản bác được mà bản thân người khác nghe cũng thấy ít bị tấn công hơn.

Leave a comment